Tác giả:



LÊ MỘNG NGUYÊN

Paris, France














Sau một nghìn năm đô hộ (từ 111 trước Tây lịch đến 931 sau Tây lịch), nước Việt Nam ngày xưa nhiễm văn minh Tàu và nhất là Nho giáo trên mặt luân lý trong và ngoài gia đình. Khổng tử dạy : quân tử (trái lại với kẻ tiểu nhân) là người phải có năm đức hạnh : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… và trong cách đối xử trong xã hội lúc nào cũng phải giữ một tấm lòng trung trực : bày tôi đối với vua (quân thần), con đối với cha (phụ tử), em đối với anh (huynh đệ), vợ đối với chồng (phu phụ), bạn đối với bạn (bằng hữu)…

Đạo Khổng xem đàn bà như là hư không. Bổn phận người phụ nữ trong nhà là vâng vâng dạ dạ trước đàn ông, nghĩa là tuân theo cha khi còn nhỏ, rồi tuân theo chồng (xuất giá tòng phu) và tuân lời con trai cả khi góa bụa. Áp dụng chủ nghĩa hạn chế nhân khẩu (malthusianisme), một phong tục dã man ở Trung quốc cho phép cha mẹ một hài nhi gái, được từ bỏ con ngay khi mới ra đời bằng cách dìm xuống nước cho chết đuối hoặc ruồng rẩy, không nuôi nấng. Từ ngày độc lập, trong những Hiến pháp của miền Nam tự do ban hành năm 1956 và 1967, và Hiến pháp Bắc Việt năm 1946, 1959… bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà được công nhận, đặc biệt nhất là trên mặt phổ thông đầu phiếu. Chế độ đa thê cũng được chính thức bãi bỏ.

Trở lại nước Việt Nam ngày xưa, hoàn toàn thấm nhuần Nho giáo, dựa trên quan niệm rằng đời sống con người không thể tưởng tượng ở ngoài xã hội. Durkheim bị ảnh hưởng đạo Khổng 2500 năm sau khi ông nói người chỉ là con người bởi vì sống trong xã hội (1). Người Việt trong cựu An Nam (trước khi tiếp xúc lần đầu tiên với Âu Tây), sống kết hợp chặt chẽ trong gia đình, hoặc trong làng xã với đồng hương một cách hết sức liên đới. Cũng vì thế mà chính thể quân chủ chuyên chế được củng cố, trong khuôn khổ một nền kinh tế nông nghiệp, chậm tiến và tiền tư bản. Gia đình là một cơ quan mà theo Pierre Gourou, tương tự « một Vương Quốc mà Vua là người gia trưởng ». Người chủ nhà (Père de famille) có quyền chuyên chế (pouvoir absolu) trên mặt giáo dục con cái trong gia đình, quyền sở hữu (droit de propriété) về phần tài sản, dụng sản và ngay đến cả thân phận người con gái (xem như vị thành niên vĩnh viễn) và con trai tuổi ấu thơ. Trưởng nam có bổn phận làm hương hỏa , nghĩa là thờ phụng tổ tiên, đời này qua đời khác, đặng tên tuổi dòng họ được tồn tại.

Về vấn đề hôn nhân, người con trai (nói chung) có bổn phận phải lấy vợ có con, nhằm vĩnh truyền chủng tộc (perpétuation de l’espèce). Lẽ dĩ nhiên, sự chọn lựa người dâu tương lai cho gia đình thuộc toàn quyền gia trưởng, không ai được kháng cáo. Cái quan niệm về hôn nhân này trở thành lạc hậu trong xã hội Việt Nam sau thế chiến 1914-1918, nhất là vào những năm 1925-1930, bị ảnh hưởng văn hóa Âu Tây, nếu không đảo lộn hoàn toàn thì cũng có nhiều thay đổi sâu đậm trong lãnh vực luân lý và cải lương phong tục (2).

Trong không khí khủng hoảng luân thường đạo lý này, nhà văn Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản « Tố Tâm », một tiểu thuyết nhắc nhở, gợi hình ảnh sự xâu xé của thế hệ trẻ mới giữa gia phong (nệ cổ gia đình) và tư tưởng mới mà văn minh Pháp đã đem vào xã hội Việt Nam. Theo học giả Đào Đăng Vỹ - trong thuyết trình bằng Pháp ngữ ông làm tại Huế và Sài Gòn năm 1949 – « Tố Tâm là một tài liệu rất quí báu về sự diễn tiến này. Bởi vì Tố Tâm không chỉ là một chuyện tình đau khổ tầm thường. Lần đầu tiên trong văn chương nước ta, nó làm nổi bật quang cảnh chiến đấu giữa cá nhân và gia đình, giữa con người và phong tục Khổng giáo của xã hội Viễn Đông. Nếu Đạm Thủy và Tố Tâm (người thiếu nữ vai chính trong truyện) không lấy nhau được, là vì cha mẹ hai bên đã lựa chọn từ lúc nhỏ mà không cho hai đứa biết, một vị hôn thê và một vị hôn phu, mà hai đứa trẻ sẽ phải kết hôn, phải thương yêu, bởi vì đó là một tặng vật thiêng liêng của gia đình. Sự hôn nhân trong xã hội thủ cựu của chúng ta, không phải là một chuyện riêng tư giữa hai người đàn ông và đàn bà, nhưng là một chuyện gia đình ngoài ý kiến của người trai trẻ và thiếu nữ trong cuộc. Song thanh niên Việt Nam thế hệ 1925 đã bắt đầu biết rõ những tự do mà cá nhân được hưởng thụ trong xã hội Âu Tây và sự tôn trọng con người trong những nước không có Khổng giáo mà con người không bị hy sinh cho gia đình, cho cộng đồng và cho phong tục cổ truyền… ». Và nhà thuyết trình nói lên nỗi thất vọng của mình : « Về phần Tố Tâm, nếu nàng cam chịu và ưng thuận sự hôn phối (ép buộc) để chết trong lòng vì buồn đau, những người trai gái khác thời bấy giờ ưa tự sát hơn đặng thoát khỏi cái số phận mà gia đình định trước. Nếu ta mở những trang báo trong những năm 1925-1930, ta thấy đăng nhiều tin về thiếu nữ tự vẫn bằng cách nhảy xuống nước lãng mạn của hồ Trúc Bạch và hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội » (3).

Thanh niên Việt Nam thấm nhuần văn hóa Âu Tây (một phần đã theo học Đại học Pháp khi trở lại quê hương), chỉ có thể lựa chọn giữa hai thái độ : hoặc cam chịu sống trong một xã hội thủ cựu (phi tiến bộ), hoặc theo con đường phản kháng, chống đối phong tục lỗi thời của Nho giáo. Tiền phong trong cuộc chiến đấu này, một nhóm thi văn sĩ thuộc thế hệ mới 1930 (ba anh em họ Nguyễn Tường : Nhất Linh, Hoàng Đạo, và Thạch Lam), bắt đầu sáng lập báo Phong Hóa năm 1932 (cuối năm, báo gặp khó khăn, ai cũng sợ không bán được nhiều, thì thân mẫu là bà Nguyễn Tường Nhu nhủ danh Lê Thị Sâm, nóí với ba người con ký giả : « Cái ấy khó gì, nếu không bán hết, mang về cho mợ gói cau càng tiện » (4).

Đó thật là câu nói quả quyết của một người mẹ kính trọng tinh thần chiến đấu bằng ngòi bút của ba người con, một khuyến khích phải tiếp tục mặc dầu những bước đầu gian nan. Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa, « Ngày Nay » ra đời khoảng 1935- 1936 là một cơ quan chiến đấu của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn (cùng với Ánh Sáng, một cơ quan xã hội) chính thức thành lập vào năm 1933, với 8 thành viên rường cột : Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Dư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu (em của Khái Hưng). Những nhà văn ngoài TLVĐ nhưng cộng tác trung thành với Nhóm, là : Đoàn Phú Tứ, Huy Cận, Thanh Tịnh, Trọng Lang. Sau nhà in Trung Bắc Tân Văn, sách TLVĐ đều do cơ sở riêng của nhà xuất bản « Đời Nay » phụ trách phát hành cho độc giả người Việt càng ngày càng đông, càng ngày càng say đắm và hâm mộ lối hành văn quốc ngữ rất trong sáng của những nhà văn TLVĐ.

Tôn chỉ của văn phái này như sau : « Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho con người và xã hội ngày một hay hơn lên », « Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân, không có tính cách trưởng giả, quý phái » ( Điều 2-3-6 của Qui ước Hội). Nhóm TLVĐ chỉ trích cách viết bằng sáo ngữ mượn tác giả cổ điển Trung Hoa, cho nên « ngôn ngữ của TLVĐ có sự cách tân theo hướng trong sáng, mộc mạc làm cho người đọc dễ hiểu vì không xử dụng các điển cố - điển tích » (5). Nhà văn TLVD viết tiếng Việt bằng quốc ngữ (langue nationale) để diễn tả tư tưởng và xúc cảm của mình.

Trên mặt biến cải xã hội, TLVĐ – nói một cách tổng quát : gồm những phần tử tinh nhuệ mới (thuộc trung lưu trí thức Âu Tây hóa-Khoa bảng Đại học Pháp-Hà Nội), đề cao bằng ngòi bút một chiến đấu chống nệ cổ, thủ cựu mà quan chức ngày xưa là biểu tượng, cũng như các thân hào làng xã, các cha mẹ áp dụng một cách mù quáng đạo Khổng. Thật là một cuộc chiến đấu quyết liệt giữa chủ nghĩa cá nhân Âu Tây và những cộng đồng truyền thống tiếp tục xem là hư không sự hiện thực của cá thể con người nói chung, và người đàn bà trong xã hội nói riêng… Đoạn Tuyệt của Nhất Linh (mà chúng ta sẽ phân tích sau), một trong những nhà chiến đấu « Việt Nam Quốc Dân Đảng » (Parti Nationaliste Vietnamien), xuất bản năm 1935, với một chủ đề rõ ý nghĩa, là tiếng chuông báo hiệu xuất hành của một cách mạng thực sự chống thành kiến thủ cựu trong xã hội làng xã và Nhà nước Nho giáo. Qua vai chính truyện là Thị Loan, tiểu thuyết của Nhất Linh là một bản án cáo trạng những quan niệm cũ Á Đông về hôn phối, về nhân sinh và tự do. TLVĐ muốn cắt đứt với cổ tục, đặng cá thể con người được mở mang, mục đích đem lại một cuộc đời mới mà nguyên tắc là hạnh phúc của mỗi người (không phân biệt trai hay gái) và của tất cả mọi người (6).

Thân mẫu của Nhất Linh, bà Nguyễn Tường Nhu, một người đàn bà đã đóng vai trò quan trọng nhất « …phía sau » TLVĐ (7). Góa chồng lúc 37 tuổi, bà đã khuya sớm tần tảo nuôi nấng 7 người con cho đến khi các con học thành đạt, làm việc có lương bổng mới nghỉ ngơi : « Trừ Thạch Lam, và con gái Nguyễn Thị Thế, còn lại 5 người đều có bằng cử nhân, riêng Nhất Linh đỗ cử nhân khoa học Pháp trở về nước làm báo, làm văn chương… Nuôi dưỡng được ngần ấy người, bà Nhu vượt bao nhiêu sóng gió. Nhưng bù đắp lại bà Nhu có những niềm vui. Đó là lúc 3 người con trai Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc Hội khóa I của nước VN độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng bộ Quốc dân Kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến » (8).

Bà mẹ VN ở đây không bao giờ làm trở ngại con đường tương lai và hoài bão cao quí của các con : lúc Hoàng Đạo vừa đổ bằng cử nhân luật, trước khi nhậm chức tri huyện, về nhà xin ý muốn người mẹ hiền. Bà âu yếm trả lời : « Nay con , thành đạt rồi mỗi người có chí hướng riêng, tùy con định đoạt. Ông cha ngày xưa nổi tiếng thanh liêm, làm quan thương dân để đức cho con cháu. Các con đừng làm gì hại đến thanh danh tiên tổ… » (9).

Một người đàn bà thứ hai ở « phía sau TLVĐ » là phu nhân của nhà văn, chính khách Nhất Linh : « Đôi mắt bà chớp chớp… Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Ánh sáng vừa dịu, vừa như có một cái gì như sẵn sàng vì mọi người… Tôi nhớ mãi cặp mắt ấy. Cặp mắt có vẻ chịu đựng mọi hy sinh, vì người thân yêu của mình. Cặp mắt của người đàn bà Việt Nam, cũ kỹ, tảo tần, không ý thức được rằng những việc mình làm đã đóng góp cho sự nghiệp của chồng không nhỏ » (10).

Làm vợ của một nhân vật nổi tiếng thời TLVĐ không phải là một chuyện thường ! Bà Phạm Thị Nguyên đã trải qua nhiều buồn vui, hạnh phúc và khắc khổ. Những năm Nhất Linh lưu lạc xứ người trên đảo Sường Châu - Trung Hoa, là những năm đau đớn nhất… Bà đã không ngần ngại (mặc dầu con đường xa xăm và đầy chông gai) kiếm cách đi thăm và đem lại an ủi và cơm nước cho chồng. « Lo lắng khi thấy chồng sống cô độc trên đất khách, bà tìm cách nhắc lại một cách khéo léo về thời TLVĐ làm báo, viết sách của chồng. Như một phép lạ, nét mặt Nhất Linh vui, tươi sáng. Ở trang đầu bản thảo tiểu thuyết Xóm Cầu Mới, Nhất Linh viết tại Hương Cảng có mang những dòng chữ : Tặng Nguyên, người rất thân yêu, đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này khởi đầu từ 1940 mới được viết tiếp theo. Hương Cảng trên núi, ngày 16/10/1949. Nhất Linh » (11).

Nói về người phụ nữ Việt Nam qua trào lưu TLVĐ, lẽ dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua tiểu thuyết « Đoạn Tuyệt » (như đã nhắc nhở trên) của Nhất Linh. Trong sách, tác giả đưa ra vấn đề cá thể con người và nhất là người đàn bà quyết tâm phản kháng gia đình nệ cổ. Trương Tửu khen ngợi vô cùng : « Cuốn Đoạn Tuyệt là một vòng hoa tráng lệ đặt trên đầu chủ nghĩa cá nhân. Tác giả có đường hoàng công nhận sự tiến bộ và hăng hái tín ngưỡng tương lai. Ông giúp bạn trẻ vững lòng phấn đấu, nghĩa là vui mà sống » (12).

« Đoạn Tuyệt » thuộc trào lưu TLVĐ lãng mạn phản kháng (romantisme de la révolte) và phóng thoát người phụ nữ ra khỏi thân phận làm dâu trong gia đình với mẹ chồng. Vai chính truyện là Loan bó buộc lấy Thân làm chồng, mà nàng không yêu, nhưng phải làm vừa lòng mẹ nàng, đặng trả nợ một số tiền cho gia đình chồng. Nàng hy sinh mối tình với Dũng, một người bạn từ thuở nhỏ, mà nàng khâm phục can đảm và trí óc thông minh. Làm dâu với mẹ ghẻ trong gia đình chồng là bà Phán Lợi, thật khổ sở, cả tinh thần lẫn vật chất. Vì mẹ chồng xem nàng như một vật liệu mà bà đã phải trả một giá rất cao, cho nên phải xử dụng không dặt dè. Bà Phán đã cho Loan biết một cách rõ ràng qua lời bà chủ nhà mắng một người đầy tớ : « Tôi nuôi các người để các người làm giúp đỡ tôi chứ để các người ăn không, ngồi đùa rỡn đấy à ? ». Thật ra, Loan bị đè ép nặng nề (về mặt tinh thần) bởi cay nghiệt của mẹ chồng hơn là sự mệt mỏi thân thể, cọng thêm mối ác cảm của hai người em gái của Thân. Ta có cảm tưởng là trong những gia đình nệ cổ, bởi vì mẹ ghẻ lúc xưa bị đau khổ nhiều trong thời chính mình làm dâu, cho nên bây giờ đến lượt trả thù bằng cách làm đau đớn con dâu của chính mình. Sự liên đới lạ lùng này đoàn kết nhiều thế hệ đàn bà đã trở thành đao phủ thủ sau một thời chịu đựng khổ đau vì mẹ chồng.

Loan có thể đủ sức chịu đựng những bất công và phiền rầy ấy nếu nàng lấy một người chồng biết thông cảm nông nỗi của nàng. Nhưng Thân là một người ngu độn, vô tình vô trí giác, nhu nhược và hèn nhát. Trong những cuộc tranh nghị giữa nàng và gia đình chồng, Thân bao giờ cũng theo phe mạnh nhất, nghĩa là phe mẹ và hai em gái của chàng. Tỷ dụ : sau khi đứa con trai của Loan và Thân chết yểu vì bà Phán Lợi – thay vì chạy chửa theo thuốc Tây – cứ tiếp tục cho uống nước pha kiểu phù thủy, mê tín. Đến lúc trầm trọng, Loan đưa lên nhà thương thì đã quá chậm. Đứa con mất vì dị đoan của bà nội nó, nhưng bà mẹ ghẻ đổ lỗi cho Loan vì đã đưa con gần hấp hối lên nhà thương, nghĩa là chửa bệnh theo kiểu Tây phương. Từ dạo ấy, sự có mặt của Loan trong gia đình chồng trở thành vô nghĩa. Mất con trai đầu lòng, gia đình không thừa tự, Thân lấy vợ bé sinh hạ một đứa con trai, Loan vì vậy có thêm một kẻ thù trong nhà, luôn xấc xược, vô lễ với nàng, vì dựa trên gia đình lúc nào cũng cho vợ hai của Thân là nói đúng.

Không khí gia đình trở nên khó thở. Không chịu nổi , Loan ngày đêm chỉ nghĩ đến chuyện phải trốn chạy, nhưng một việc bất chừng (ngoài ý muốn) sẽ chấm dứt nỗi đau khổ của nàng. Trong một cuộc cãi lộn rất náo nhiệt giữa hai vợ chồng, Loan bị Thân đấm mạnh vào ngực và nàng bị ngã lăn xuống đất, bà Phán khuyến khích thêm người con mình : « Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội ». Thấy Thân tay cầm lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng, « … trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ, Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng và Thân kêu một tiếng… ».

Thân chết vì cây dao mà Loan thật ra không ứng dụng. Bà Phán buộc tội Loan giết chồng. Nhưng Tòa tha trắng án, nhờ lời biện hộ rất hùng hồn và khúc chiết của Trạng sư : « Chính bà mẹ chồng đã giết cháu bà mà không biết. Mà lại còn đổ cho Thị Loan cái tội giết con ! Đến nay, bà đổ cho Thị Loan cái tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia. Nhưng nếu vượt lên, và nghĩ rộng ra không kể cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải lỗi ở người nào cả, mà lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai cái mới, cũ… ». Và kết luận : « Các ngài tha cho Thị Loan tức là tha cho một người đã bị tội oan, tha cho một người đau khổ vì đã phí cả một đời thanh xuân và đã đem thân hy sinh cho cái xã hội mới cũ khắt khe này ». Như nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã viết rất xác đáng (13) : « Tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh đều khuynh hướng về gia đình, về việc cải tạo chế độ gia đình để giải phóng cho phụ nữ… »

Sau Đoạn Tuyệt, Nhất Linh cho xuất bản « Lạnh Lùng » với vai chính trong truyện là một người đàn bà góa bụa (Nhung) song còn trẻ, nên yêu lén lút một thầy giáo riêng (Nghĩa) của con mình. Nhưng chẳng qua đó là một hạnh phúc mong manh vì nàng không có đủ can đảm đi đến tận cùng của tình yêu, nghĩa là theo tình nhân khi người này phải ra đi… Bị cấu xé giữa hạnh phúc cá nhân và tiếng thơm một người dâu thảo « Tiết Hạnh Khả Phong », Nhung cam chịu tiếp tục đời sống cô đơn, trung thành trong kỷ niệm với nguời chồng quá cố. « Lạnh Lùng » đi ngược dòng « Đoạn Tuyệt », không thuộc loại văn chương lãng mạn « phản kháng », nhưng hòa điệu một phần nào với tinh thần hy sinh của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ.

Nói về người phụ nữ nước ta qua trào lưu TLVĐ, không thể nào bỏ qua được « Hồn Bướm Mơ Tiên » của Khái Hưng, thuộc về phong trào lãng mạn liên quan đến sự xung đột giữa ái tình và tôn giáo : Ngọc, một sinh viên Trường Canh Nông Hà Nội nhân dịp hè, đi thăm chùa Long Giáng là nơi Sư cụ (mà cũng là bác của mình) tụ trì, với ý định ở lại đó nghỉ ngơi khoảng hai ba tuần. Chàng gặp một « … chú tiểu quần áo nâu, chân đi đôi giép quai ngang sơ sài, đầu đội cái thúng đầy sắn, đương lần từng bước leo xuống con đường hẻm. Thốt gặp người lạ, chú bẽn lẽn, hai má đỏ bừng…» (14), nhưng không ngần ngại chỉ dẫn đường cho Ngọc cùng đi về chùa… Bước chân bên chú tiểu (Lan), chàng không khỏi nghĩ thầm : « Quái lạ ! sao ở vùng quê lại có người đẹp trai đến thế, nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng con gái » (15). Cảm tình đầu tiên giữa hai người đã trở thành tình bạn thân thiết, và trong những ngày ở lại chùa Long Giáng, Ngọc tìm đủ cách để khám phá cuộc đời bí mật của chú tiểu Lan. Cuối cùng, chính Lan đã phải thú thật rằng nàng là gái giả trai để có thể trọn đời nương nhờ cửa Phật : « Vâng, tôi là gái. Tôi biết thế nào cũng chẳng dấu nổi ông. Nhưng còn câu truyện vì sao tôi phải cải trang, thì tôi chưa thể thổ lộ cùng ông được. Chỉ xin ông buông tha kẻ tu hành này, kẻ tu hành khốn khổ này ra mà thôi » (16). Một mối tình đã chớm nở lúc đầu mới gặp nhau nay trở thành nồng nhiệt, đắm say của Ngọc đối với Lan, nhưng về phía Lan – vì một lời hứa lúc mẹ nàng hấp hối : « Quên, phải quên ! Lời thề trước linh hồn mẹ, ta hãy còn nhớ đinh ninh trong trí. Đó là cái bùa để trừ bỏ những sự cám dỗ của tình ái nhỏ nhen nơi dương thế » (17). Kết cục, Lan và Ngọc đồng ý – như một nguyện thề - từ bỏ ái tình trần tục bằng cách chia rẽ nhau trong cuộc đời, đặng vươn lên một ái tình cao cả, đẹp đẽ và vĩnh cửu trong tâm niệm : « Yêu là một luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo. Ta yêu nhau, ta yêu nhau trong linh hồn, trong lý tưởng, Phật tổ cũng chẳng cấm đoán đôi ta yêu nhau như thế » (18).







Từ trái sang:
Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng (thời Tự Lực Văn Đoàn)
Ảnh: Wikipedia



Trong Anh Phải Sống, tác giả Khái Hưng thuật chuyện một cặp vợ chồng rất nghèo, ngày ngày với một chiếc thuyền nan, bơi ra giữa dòng sông Hồng vớt củi để nuôi ba đứa con còn thơ dại. Hôm ấy, sau khi thuyền đã chứa đầy những cành khô nặng chĩu, trời bổng đổ mưa sấm sét, chiếc thuyền với củi nặng bị đắm chìm, hai người cố gắng bơi cho tới bờ. Người vợ quá yếu không chống nổi những làn sóng lớn… nếu tiếp tục vịn vào vai chồng đến lúc chồng không đủ sức bơi một mình cho cả hai người thì chết cả hai. Nàng quyết định buông tay để thân mình chìm xuống đáy sông sau khi nói khẻ với chồng phải nghĩ đến ba đứa con : « Thằng Bò ! Cái Nhớn ! Cái Bé ! … Không ? ANH phải sống ! » :

« Đèn điện sáng rực xuống bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con. Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng ».

Xin cảm ơn quí vị.



** Thuyết trình của GS Lê Mộng Nguyên sáng ngày thứ bảy 29 th.08-2009 nhân dịp « Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại » tại Trung tâm Maison Notre-Dame du Chant d’Oiseau, 3-A, av. des Franciscains, Bruxelles-Vương quốc Bỉ.

* Giáo sư-Tiến sĩ Quốc Gia, Viện sĩ Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, nguyên Luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris, Nhạc sĩ-Thành viên SACEM (Hội Những Người Sáng Tác và Xuất Bản Âm Nhạc, Paris-Pháp)





Chú giải :

1. « L’homme n’est homme que parce qu’il vit en société ».

2. Xin tham khảo : Lê Mộng Nguyên, Orient-Occident : le choc des cultures et son impact sur la décolonisation française au Vietnam (Communication du 1er décembre 2006 à l’Académie des Sciences d’Outre-Mer), MONDES ET CULTURES, Tome LXVI – 2006 – Volume 1, Les Séances, pp. 512-521.

3. Đào Đăng Vỹ, Evolution de la littérature et de la pensée vietnamiennes depuis l’arrivée des Français jusqu’à nos jours, Huế, Tao Đàn 1949, pp.17-18.

4. Tài liệu « Diễn Đàn Thơ Văn » trên mạng 14/12/2008 : «Hai người đàn bà phía sau TLVĐ».

5. Tào Văn Ân, Khuynh hướng hiện thực trong một số tiểu thuyết TLVĐ.

6. Lê Mộng Nguyên, Thông điệp ngày 01 th.12-2006 tại HLVKHHN Pháp – Xin xem cùng tác giả Lê Mộng Nguyên : Chung đụng văn hóa xã hội tại Việt Nam trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến, Tập San «Định Hướng» Số 54 – Mùa Đông 2008, tr.65-72.

7. Tài liệu DĐTV (Id., Ibid.).

8. Id., Ibid.

9. Id., Ibid.

10. Anh Thơ, Từ Bến sông Thương, Hồi ký 1986.

11. Tài liệu DĐTV (Id., Ibid.).

12. Báo Loa, 08/08/1935.

13. Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Quyển Tư, In lần thứ ba, Nhà xb Thăng Long, Sài Gòn 1960.

14. Nhất Linh, Hồn Bướm Mơ Tiên, In lần thứ năm, Nhà xb Đời Nay 1942, tr.13.

15. Id., Ibid., tr.15.

16. Id., Ibid., tr.106-107.

17. Id., Ibid., tr.119.

18. Id., Ibid., tr.135.



GS LÊ MỘNG NGUYÊÊN

Bruxelles (Vương Quốc Bỉ), ngày 29 th.08-2009.



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com